Hội chứng ngón tay cò súng thường gặp ở phụ nữ

Là một bệnh bệnh khá phổ biến trong nhóm bệnh về cơ xương khớp. Tuy là phổ biến, nhưng do nhiều người chưa tìm hiểu rõ hoặc không tìm hiểu nêu không biết nguyên nhân cũng như cách chữa trị hợp lý. Vậy, vì sao hội chứng ngón tay cò súng lại thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới?

Bệnh ngón tay cò súng

Bệnh này không thể điều trị bằng bấm huyệt, châm cứu hay đắp thuốc. Cần phải nhấn mạnh như vậy vì đã nhiều người bị hư ngón tay rất oan uống chỉ vì điều trị sai cách.
Nhung Nguyễn - Quận Bình Tân - Tôi năm nay gần 55 tuổi, thỉnh thoảng tôi bị đau ngón tay giữa, co duỗi rất khó khăn, nhiều khi chỉ với động tác nhỏ như vắt khăn rửa mặt cũng gây đau. Triệu chứng này kéo dài một thời gian rồi tự hết.
Sau đó, lại bị đau trở lại và hiện tại khi co vào thì ngón tay không thể duỗi ra được mà phải dùng tay kia kéo ra. Như vậy, tôi bị bệnh gì và có điều trị dứt điểm được không?
Trả lời:
Chào chị, như chị miêu tả thì có thể chị đã mắc triệu chứng được gọi là ngón tay cò súng. Hay còn được gọi với rất nhiều tên khác nhau như: ngón tay lò xo, ngón tay bật, viêm gân gấp, viêm gân gấp ngón tay…
 
Đây là tình trạng “lụp cụp” của ngón tay khi co hoặc duỗi. Mà nguyên nhân là do viêm gân gây nên. Và tình trạng như của chị (phải dùng tay kia để kéo ra) thì cách điều trị dứt điểm và nhanh nhất là phẫu thuật chị ạ.

Chị tham khảo thêm thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh chị đang bị nhé.
Minh hoạ tổn thương gân gấp trong bệnh ngón tay cò súng
Minh hoạ tổn thương gân gấp trong bệnh ngón tay cò súng

Tiếng "cụp" khi co duỗi ngón tay

Bình thường gân gấp ngón tay được bao bọc bởi một bao xơ gọi là bao gân. Giữa hai tổ chức này có lớp dịch mỏng bôi trơn làm gân trượt dễ dàng trong bao gân.

Gân sẽ chui qua các ròng rọc để đi từ gốc ngón tay đến đốt xa của ngón tay.
Trường hợp có viêm gân, sợi gân gấp bị sưng (xem hình trên) khiến ch việc di chuyển qua ròng rọc (vòng xơ) khó khăn. Tình trạng của chị đang gặp cũng y như trong hình trên đó.

Do lực gân gấp ngón tay thường mạnh hơn lực duỗi nên dễ thắng được sự mắc kẹt. Điều này làm cho chị thấy gấp được ngón tay vào, nhưng khi duỗi ra thì lại gặp khó khăn.

Vì vậy, ngón tay hay bị mắc lại ở tư thế gấp. Nếu cố duỗi hoặc dùng ngón tay khác kéo ra thì nốt sưng trên gân sẽ vượt được qua chỗ hẹp nhưng gây đau và tạo ra tiếng “cụp”.

Thường gặp ở người trên 35 tuổi

Trong đó nữ giới gặp nhiều hơn nam giới, thường gặp ở những người vận động cổ bàn tay nhiều, do lực chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần, tiền căn tiểu đường, viêm khớp dạng thấp…

Tất nhiên là trẻ nhỏ và người lớn tuổi vẫn bị bệnh này.
Ngón tay cò súng thường xảy ra đơn độc ở ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn, ngón cái. Tuy nhiên có thể xuất hiện nhiều ngón cùng lúc hoặc cả hai tay.

Ngón tay cò súng do viêm khớp dạng thấp, lực chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần, tiền căn tiểu đường...

Triệu chứng lâm sàng điển hình là bệnh nhân sẽ than đau. Đặc biệt vùng nếp gấp xa của gan bàn tay và ngón tay bị kẹt khi duỗi ra.

Có người mô tả sự chuyển động bật của ngón tay khi duỗi giống như đầu con bửa củi cử động (do vậy mà có tên ngón tay bật hay ngón tay cò súng).
Giai đoạn đầu khi mới bị, cơn đau thường vào sáng sớm lúc thức dậy và giảm dần trong ngày.

Điều trị như thế nào?

Nội khoa

Điều trị đối với trường hợp vừa phát hiện khá đơn giản: dùng nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10-14 ngày. Dùng thuốc kháng viêm giảm đau, hoặc tiêm corticoid tại chỗ (được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa).

Kết hợp tập vận động theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi tiến triển, nếu không đáp ứng điều trị, việc phẫu thuật là điều phải thực hiện.

Ngoại khoa

Bệnh được điều trị khỏi vĩnh viễn bằng phẫu thuật (cắt bỏ ròng rọc A1) khi các phương pháp nội khoa không có hiệu quả, hoặc bệnh tái đi, tái lại nhiều lần.

Phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, gây tê tại chỗ  bệnh nhân không cần nằm viện sau phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện qua đường mổ nhỏ ở gốc ngón mặt lòng bàn tay.

Phẫu thuật viên sẽ giải phóng ròng rọc A1 để việc di chuyển của gân gấp dễ dàng, bệnh nhân được cắt chỉ sau 7 ngày.

Dấu hiện "bật lò xo" sẽ mất ngay khi phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ cho bệnh nhân vận động để kiểm tra điều này trước khi may (khâu) lại vết mổ.
 
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được vận động ngón tay chủ động với biên độ tăng dần để có thể gấp và duỗi tối đa để tránh dinh gân tại vị trí mổ.
 
Có trường hợp khó duỗi thẳng ngón tay tồn tại vài tuần sau phẫu thuật, thường do gân đã bị tổn thương vì phát hiện và điều trị muộn. Nhưng nói chung kết quả phẫu thuật hầu hết đều rất tốt.

Phòng tránh ngón tay cò súng

Đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp bao gân dẫn đến ngón tay cò súng. Có nhiều trường hợp bệnh tự khỏi mà không cần điều trị.
 
Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nặng lên, gây đau đớn và làm cản trở trong sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân.

Cách tốt nhất để phòng bệnh vẫn là thường xuyên tập thể dục, co duỗi các khớp ngón tay. Tránh tiếp xúc bàn tay lâu trong môi trường nhiệt độ thấp.

Người làm việc bằng tay với thời gian kéo dài và liên tục cũng nên để tay được thư giãn hoặc thay đổi động tác trong khoảng thời gian nhất định.

Khi có triệu chứng bệnh, nên đi khám sớm để điều trị kịp thời để tránh nguy cơ mất khả năng vận động khớp ngón tay do điều trị muộn hoặc không đúng cách.
Bs. Thanh Tùng

Liên hệ: 0763.237.138 (Zalo, Viber, Facebook).

Mới hơn Cũ hơn